Lịch sử Oman

Dereaze thuộc thành phố Ibri là khu định cư cổ nhất được biết đến trong khu vực, có niên đại từ 8.000 năm trước thuộc thời đồ đá muộn.[11] Các di vật khảo cổ phát hiện tại đây có từ thời đồ đá và đồ đồng. Từ thế kỷ VI TCN cho đến khi Hồi giáo truyền bá đến vào thế kỷ VII CN, Oman nằm trong quyền kiểm soát và/hoặc ảnh hưởng của ba triều đại Ba Tư: Achaemenes, ParthiaSassanid. Một vài học giả cho rằng vào thế kỷ VI TCN, triều đại Achaemenes kiểm soát ở mức độ cao đối với bán đảo Oman, có khả năng nhất là từ một trung tâm duyên hải như Sohar. Miền trung Oman có tập hợp văn hóa đồ sắt muộn riêng tại di chỉ Samad al-Shan.[12]

Đến khoảng năm 250 TCN, triều đại Parthia kiểm soát vịnh Ba Tư, họ mở rộng ảnh hưởng xa đến Oman, tiến hành đóng quân để áp đặt kiểm soát các tuyến mậu dịch. Trong thế kỷ III CN, triều đại Sassanid kế tục Parthia và nắm giữ khu vực cho đến khi Hồi giáo nổi lên vào bốn thế kỷ sau đó.[12] Người Oman nằm trong số các nhóm người đầu tiên tiếp xúc với và tiếp nhận Hồi giáo.[13] Việc người Oman cải đạo thường được quy cho công của Amr ibn al-As, ông được Muhammad phái đi thực hiện viễn chinh.

Một ngôi mộ tại Al-Ayn, là một di sản thế giới UNESCO

Sau khi Vasco da Gama vượt qua mũi Hảo Vọng đến Ấn Độ năm 1497–98, người Bồ Đào Nha đến Oman và chiếm đóng Muscat trong suốt 143 năm từ 1507 đến 1650. Do cần có một tiền đồn nhằm bảo vệ hải lộ của mình, người Bồ Đào Nha xây dựng và củng cố thành phố, và các tàn dư phong cách kiến trúc thuộc địa vẫn tồn tại đến nay. Một hạm đội của Ottoman từng chiếm Muscat vào năm 1552, trong cuộc tranh giành kiểm soát vịnh Ba Tư và Ấn Độ Dương.[14] Người Ottoman lại chiếm được Muscat từ người Bồ Đào Nha trong giai đoạn 1581–88. Các bộ lạc khởi nghĩa Muscat cuối cùng đẩy lui được người Bồ Đào Nha, song đến năm 1741 một bộ lạc Oman đẩy lui thế lực này, khởi đầu dòng dõi sultan cai trị hiện nay. Oman từ đó được tự quản, ngoại trừ một giai đoạn ngắn bị Ba Tư xâm chiếm vào cuối thập niên 1740.[15]

Trong thập niên 1690, Imam của Oman là Saif bin Sultan xâm nhập Bờ biển Swahili phía đông châu Phi. Họ chiếm được một pháo đài của quân Bồ Đào Nha tại Mombasa (Kenya ngày nay) vào năm 1698. Sau đó, người Oman đẩy lui người Bồ Đào Nha khỏi quần đảo Zanzibar và khỏi toàn bộ các khu vực duyên hải khác ở phía bắc từ Mozambique, cùng giúp đỡ của người Somali. Zanzibar là một tài sản có giá trị do là thị trường nô lệ chính của Bờ biển Swahili, và ngày càng trở thành một bộ phận quan trọng của Oman, đến mức Imam của Muscat là Sa'id ibn Sultan đặt cung điện chính của ông trên quần đảo vào năm 1837. Kình địch giữa hai con trai của ông được giải quyết thông qua điều giải của người Anh bằng cách một người tên là Majid kế thừa Zanzibar và nhiều khu vực và vương tộc Oman yêu sách trên Bờ biển Swahili. Người còn lại là Thuwaini kế thừa Muscat và Oman.

Năm 1783, Seyyid Sultan của Oman đánh bại quân chủ của Muscat, và được trao chủ quyền đối với Gwadar. Thành phố duyên hải này nằm trong khu vực Makran nay thuộc tây nam của Pakistan, tại cửa vịnh Oman.[16]

Pháo đài Nakhal tại miền bắc Oman được tái thiết vào thế kỷ XVII.

Dãy núi Al Hajar chia quốc gia làm hai khu vực riêng biệt: phần nội lục gọi là Oman, và khu vực duyên hải nằm do thủ đô Muscat chi phối.[17] Năm 1913, quyền kiểm soát quốc gia bị phân ly, phần nội lục do các imam dòng Ibadi cai trị còn các khu vực duyên hải do sultan cai trị. Theo các điều khoản trong Hiệp định Seeb được Anh môi giới, Sultan công nhận quyền tự trị của nội lục. Sultan của Muscat sẽ chịu trách nhiệm về ngoại vụ của Oman.[18]

Quyền cai trị của Sultan Said bin Taimur mang đặc trưng là cách tiếp cận phong kiến và biệt lập. Imam Ghalib Al Hinai được bầu làm Imam của Oman trong tháng 5 năm 1954.[19] Quan hệ giữa Sultan Said bin Taimur của Muscat, và Imam Ghalib Al Hinai đoạn tuyệt do tranh chấp liên quan đến cấp quyền nhượng địa dầu mỏ.[17]

Tháng 12 năm 1955, Sultan Said bin Zubair đưa quân đến chiếm các trung tâm chính của Oman, trong đó có thủ phủ Nizwa.[18] Imam Ghalib Al Hinai và em trai là Talib bin Ali Al Hinai tiến hành kháng cự. Đến tháng 7 năm 1957, quân của Sultan dù rút lui song liên tiếp bị phục kích và chịu tổn thất nặng nề.[18] Tuy nhiên, Sultan Said bin Taimur cuối cùng trấn áp được khởi nghĩa sau khi Anh can thiệp.[20] Quân của Talib triệt thoái đến vùng núi Jebel Akhdar khó tiếp cận.[20] Ngày 27 tháng 1 năm 1959, quân của sultan chiếm được núi.[21] Ghalib, Talib và Sulaiman đào thoát sang Ả Rập Xê Út, tại đó họ thúc đẩy mục tiêu phục quốc cho đến thập niên 1970.[21]

Năm 1955, dải duyên hải Makran gia nhập Pakistan và trở thành một phần của tỉnh Balochistan, khi đó Gwadar không nằm trong Makran. Ngày 8 tháng 9 năm 1958, Pakistan mua Gwadar từ Oman với giá 3 triệu USD.[22]

Trữ lượng dầu mỏ được phát hiện vào năm 1964 và được khai thác vào năm 1967. Trong khởi nghĩa Dhofar bắt đầu vào năm 1965, lực lượng tả khuynh chiến đấu với quân chính phủ. Do phiến quân đe dọa lật đổ quyền cai trị của Sultan tại Dhofar, Sultan Said bin Taimur bị con trai là Qaboos bin Said hạ bệ vào năm 1970, tân vương mở rộng lực lượng vũ trang, hiện đại hóa chính quyền và tiến hành cải cách xã hội. Khởi nghĩa bị trấn áp hoàn toàn vào năm 1975 với giúp đỡ từ các lực lượng của Iran, Jordan, Pakistan và Anh.

Sau khi hạ bệ cha, Sultan Qaboos mở cửa đất nước, tiến hành cải cách kinh tế, theo chinh sách hiện đại hóa với dấu ấn là tăng chi tiêu cho y tế, giáo dục và phúc lợi.[23] Năm 1981, Oman trở thành một thành viên sáng lập của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh. Các cải cách chính trị cuối cùng cũng được tiến hành. Năm 1997, Sultan Qaboos ra lệnh rằng nữ giới có thể bầu cử và ứng cử trong hội đồng cố vấn mang tên Majlis al-Shura.

Năm 2002, quyền bầu cử được mở rộng cho toàn thể công dân từ 21 tuổi trở lên, và cuộc bầu cử đầu tiên chọn Hội đồng cố vấn theo luật mới được tiến hành vào năm 2003. Năm 2004, Sultan bổ nhiệm nữ bộ trưởng đầu tiên.[24] Mặc dù vậy, có ít thay đổi trong cơ cấu chính trị thực tế của chính phủ. Sultan tiếp tục cai trị bằng sắc lệnh. Có gần 100 người bị nghi theo chủ nghĩa Hồi giáo bị bắt giữ vào năm 2005 và 31 người bị buộc tội lật đổ. Họ cuối cùng được ân xá trong cùng năm.[7]

Được truyền cảm hứng từ Mùa xuân Ả Rập khắp khu vực, các cuộc biểu tình cũng diễn ra tại Oman vào các tháng đầu năm 2011. Mặc dù họ không kêu gọi lật đổ chế độ, song họ yêu cầu cải cách chính trị, cải thiện điều kiện sinh hoạt, và tạo thêm việc làm. Sultan Qaboos phản ứng bằng cách cam kết việc làm và lợi ích. Tháng 10 năm 2011, Oman tổ chức bầu cử Hội đồng cố vấn, Sultan Qaboos cam kết trao cho cơ cấu này nhiều quyền lực hơn.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Oman http://www.thenational.ae/news/world/middle-east/o... http://www.thenational.ae/thenationalconversation/... http://www.freiland.at/en/menu433/projekte193/ http://www.omanculturaldays.com.au/exhibtion7.html http://wikileaks.ch/cable/2008/03/08MUSCAT174.html http://wikileaks.ch/cable/2008/08/08MUSCAT565.html http://wikileaks.ch/cable/2009/05/09MUSCAT433.html http://www.arabianbusiness.com/oman-s-population-p... http://www.bbc.com/news/world-12598273 http://www.britains-smallwars.com/SAS/JebelAkhdar....